Slide show

KIẾN THỨC VỀ HỆ THỐNG LỌC NƯỚC RO (P. 1)

Trong cuộc sống hiện đại, nước sạch càng trở nên khan hiếm đối với con người. Vì vậy, ngày càng nhiều hệ thống lọc nước ra đời để đáp ứng nhu cầu cấp thiết hàng ngày của mọi gia đình.

Hiện nay trên thị trường phổ biến nhất là hệ thống lọc nước RO, giúp cung cấp nước sạch và tinh khiết cho con người. Mặc dù trên thị trường có rất nhiều thương hiệu khác nhau cung cấp hệ thống lọc nước RO. Nhưng về nguyên lý cơ bản và thành phần là tương đối giống nhau.
Bài viết này cung cấp cho người tiêu dùng một kiến thức cơ bản về thành phần, cấu tạo cũng như tính chất của các bộ phận trong hệ thống RO.
Một hệ thống lọc nước RO cho gia đình thường bao gồm 3 nhóm chính: 
- Nhóm lọc nước.
- Nhóm điều khiển.
- Nhóm trang trí.

A. NHÓM LỌC NƯỚC
Bao gồm các ly lọc, lõi lọc và hệ thống diệt khuẩn. Nước tinh khiết sẽ được lọc theo trình tự theo quy trình như sau:
A.1. Giai đoạn lọc 1:
- Giai đoạn này loại bỏ các tạp chất lơ lửng trong nước có kích thước lớn hơn 5 Micromet ~ 0,005 mm.
- Nước sẽ được dẫn từ nguồn đi vào cột lọc thô. Thành phần cột lọc thô gồm: vỏ lọc (ly lọc) và lõi lọc thô.
- Vỏ lọc có nhiều loại kích thước theo chiều dài: 10 inchs (0,254 m), 20 inchs (0,508 m), 30 inchs (0,762 m). Vỏ lọc thường làm bằng chất liệu nhựa có màu xanh, trắng hoặc trong (có thể nhìn thấy bên trong). Mỗi ly lọc đều có 01 đầu vô và 01 đầu ra. Kích thước của mỗi đầu vô và ra cũng có nhiều loại như D27 (đầu ren 27 mm), D21 (đầu ren 21 mm) hay D13 (đầu ren 13 mm).
- Lõi lọc thô được cấu tạo từ những sợi PolyProplene quấn chặt với nhau tạo thành các khe lọc chỉ có kích thước 5 Micromet. Các lõi lọc này cũng có nhiều kích thước khác nhau để phù hợp với vỏ lọc tương ứng. 
- Về bản chất, các lõi lọc sợi PolyProplene này không thể bị hư hỏng do sử dụng lâu ngày. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu ngày có thể làm cho khả năng nén chặt của các sợi sợi PolyProplene giảm dần và các cặn bẩn tiến sâu vào bên trong lõi lọc. Từ đó, chất lượng lọc bị giảm. Thậm chí có thể gây ra tình trạng nhả lại các tạp chất tích lũy lâu ngày vào các giai đoạn lọc tiếp theo. Vì thế, các chuyên gia thường khuyến cáo thời gian thay thế cột lọc thô không quá 4 tháng.
A.2. Giai đoạn lọc 2:
- Giai đoạn lọc này loại bỏ các kim loại nặng, chất phóng xạ, màu và mùi trong nước nhờ vào khả năng của than hoạt tính.
- Thành phần cột lọc cũng bao gồm vỏ lọc và lõi lọc.
- Lõi lọc ở giai đoạn 2 sử dụng than hoạt tính xốp, có cấu trúc rỗng để tăng khả năng hấp thụ các độc tố có trong nước.
- Về bản chất, lõi lọc than không thể tái sử dụng sau khi đã hấp thụ các độc tố. Do đó, thời gian thay thế lõi lọc than không quá 6 tháng.

A.3. Giai đoạn lọc 3:
- Giai đoạn này có chức năng tương tự như giai đoạn lọc 2. Tuy nhiên, than hoạt tính được nghiền nhỏ và nén chặt lại nhằm tăng cường khả năng lọc và hấp thụ độc tố. Thời gian thay thế không quá 8 tháng.
A.4. Giai đoạn lọc RO:
- Giai đoạn này loại bỏ toàn bộ những tạp chất còn sót lại như các ion kim loại, vi khuẩn,... Giúp cho chất lượng nước đạt trạng thái tinh khiết có thể uống được.
- Thành phần cột lọc RO cũng bao gồm vỏ lọc RO, lõi lọc RO và bơm áp lực cao.
- Vỏ lọc RO trên thị trường cũng gồm nhiều kích thước theo các nhu cầu khác nhau. Chất liệu vỏ lọc RO được làm từ nhựa, composite hoặc inox.
- Lõi lọc RO được từ các sợi tổng hợp PolyAmide rất khó phân hủy trong tự nhiên. Các lớp PolyAmide được xếp thành các lớp chồng lên nhau và tạo ra các khe hẹp cực kỳ nhỏ chỉ với 0,0001 Micromet.
- Màng lọc RO cần được vệ sinh bề mặt 1 tháng/1 lần. Tính chất lọc RO giảm thường sau 24 tháng. Tuổi thọ màng RO phụ thuộc rất lớn vào các giai đoạn lọc 1,2,3. Vì thế, thay thế các lõi lọc ở giai đoạn 1,2,3 đúng lúc sẽ giúp kéo dài tuổi thọ màng RO từ 3 - 5 năm.
- Bơm áp lực cao được sử dụng để tạo áp lực đẩy nước đi qua màng lọc RO. Vì cấu tạo màng lọc quá nhỏ nên lượng nước đi qua màng RO có hạn, phần nước còn lại được dẫn đi qua ống xả thải.
A.5. Giai đoạn lọc 5:
- Giai đoạn này tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn, virus còn sót lại bằng tia cực tím.
- Thành phần bao gồm vỏ đèn Uv và bóng đèn Uv (tia cực tím), adapter.
- Vỏ đèn Uv thường làm bằng inox. Có nhiều kích thước khác nhau tùy theo công suất xử lý nước.
- Đèn Uv phát ra các bức xạ có khả năng phá hủy các tế bào vi khuẩn, virus nên thường được sử dụng để khử trùng cho nước thay thế cho Chlorine. Đèn Uv có nhiều công suất khác nhau thùy theo công suất xử lý nước.
- Adapter sử dụng để cung cấp điện năng cho đèn Uv.
- Các hệ thống lọc nước RO trên thị trường thường không sử dụng đèn Uv. Đèn Uv thường được dùng trong các hệ thống lọc nước cao cấp hoặc hệ thống sản xuất nước đóng chai.
A.6. Giai đoạn lọc 6:
-  Giai đoạn này loại bỏ xác vi khuẩn và virus đã bị tiêu diệt ở giai đoạn 5, tăng cường chất lượng nước lọc đầu ra.
- Thành phần chủ yếu là vỏ lọc và lõi lọc than hoạt tính chất lượng cao.
- Mặc dù được sử dụng phía sau giai đoạn lọc RO. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo thay thế lõi lọc không quá 12 tháng.

6 Giai đoạn lọc trên mang tính quyết định đến chất lượng nước. Ngoài các giai đoạn trên không còn giai đoạn nào của các hệ thống RO trên thị trường có thể làm tăng cường độ tinh khiết của nước. Các giai đoạn lọc khác chỉ giúp hỗ trợ, bổ sung chức năng cho nước uống.

A.7. Cột lọc nano bạc:
- Tác dụng chủ yếu là để diệt khuẩn.
- Tuy nhiên, quá trình diệt khuẩn chỉ xảy ra khi nước tiếp xúc với ion bạc trong thời gian phù hợp.
- Các ion bạc trong lõi lọc lâu ngày có thể hòa tan vào trong nước và trở thành kim loại nặng gây hại cho cơ thể khi tích lũy ion bạc quá nhiều.
- Trên thị trường thường xuất hiện cột lọc này dưới nhiều dạng đơn hoặc hỗn hợp với các lõi lọc than hoạt tính,...Do đó, người tiêu dùng nếu không muốn nhiễm ion bạc thì không nên chọn các lõi lọc hỗn hợp có chứa nano bạc.
A.8. Cột lọc Alkaline:
- Cột lọc này có tác dụng nâng pH cho nước. Vì theo khoa học chứng minh rằng, một số bệnh liên quan đến dạ dày thường phát triển trong môi trường Acid. Do đó, lõi lọc nâng pH giúp tăng độ pH để loại bỏ môi trường gây bệnh trong cơ thể.
- Cột lọc bao gồm vỏ lọc và các thành phần hạt lọc có khả năng làm tăng pH cho nước như: Hạt Magnesium, than hoạt tính, đá nam châm, đá Tourmaline,...
- Thời gian thay thế lõi lọc Alkaline là không quá 12 tháng.
A.9. Cột lọc tạo khoáng:
- Cột lọc giúp bổ sung hàm lượng khoáng cho nước bị mất trong các giai đoạn lọc ban đầu. Giúp cho nước có vị ngon hơn khi uống.
- Cột lọc cũng bao gồm vỏ lọc và các lõi lọc tạo khoáng: Mg, Na, Ca,..
- Thời gian thay thế loic lọc là 24 tháng.
A.10. Cột lọc hồng ngoại:
- Cột lọc góp phần tăng nồng độ oxygen trong nước. Giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ nước.
- Cột lọc bao gồm vỏ lọc và các hạt sứ có khả năng bức xạ hồng ngoại với bước sóng 8 - 12 Micromet, làm cho các phân tử nước khuếch tán nhỏ.
- Thời gian thay lõi lọc không quá 24 tháng.
Như vậy, việc lựa chọn một hệ thống lọc RO có quá nhiều cấp (7,8,9 cấp) không những không làm nước sạch thêm mà chỉ làm tăng chi phí đầu tư. Hy vọng với những kiến thức về "Nhóm lọc nước", người tiêu dùng có thể tự lựa chọn cho mình một hệ thống RO phù hợp với kinh tế gia đình. Đồng thời nắm vững các kiến thức về cấu tạo cũng như cơ chế lọc nước của từng cột lọc.
(HẾT PHẦN I)
(Nguồn: Shymart)

No comments:

vehicles

business

health